Khái niệm “zone cabling” bắt nguồn từ một mô hình kết nối cáp hiệu quả cho môi trường văn phòng mở. Nhưng hiện nay, mô hình kết nối cáp này đã được phát triển và áp dụng phổ biến cho nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là môi trường trung tâm dữ liệu.
Từ những năm 1990, khái niệm “zone cabling–Kết nối cáp theo khu vực” đã được đề cập rất nhiều trong các tài liệu của TIA như một mô hình hiệu quả để kết nối cáp của máy trạm trong môi trường văn phòng mở. Đến năm 1996, TIA ban hành tiêu chuẩn TSB-75 với tiêu đề “Sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống kết nối cáp ngang trong các văn phòng mở”. Trong bài viết này, môi trường văn phòng mở có thể được hiểu là một khu vực nào đó trong không gian làm việc của các công ty, cơ quan, tổ chức...
Trong mô hình đấu nối cáp cấu trúc, zone cabling có chức năng tương tự như CP (consolidation point), MUTOA (multi-user telecommunication outlet assembly) hoặc hộp đấu nối viễn thông TE (telecommunications enclosure). Tuy có chức năng tương tự, nhưng mỗi mô hình đều có đặc trưng và ưu điểm riêng. Các sản phẩm được sử dụng trong zone cabling hiện nay rất đa dạng về chủng loại, hình dáng và kích thước nhằm đáp ứng nhiều ứng dụng và môi trường khác nhau của người dùng.
CP là một điểm chứa các thiết bị kết nối bị động trong mô hình kết nối cáp ngang, thường được đặt cách xa phòng viễn thông TR ít nhất 15 m. Một CP chỉ phục vụ tối đa 12 khu vực làm việc (work area) và được lắp đặt ở một vị trí cố định bên trong tòa nhà.
Tương tự CP, MUTOA là điểm chứa các thiết bị kết nối bị động trong mô hình kết nối cáp ngang. Tuy nhiên, chúng có cách kết nối khác nhau. Với CP, phải sử dụng cáp ngang để kết nối đến các ổ cắm ở khu vực làm việc, sau đó, dùng cáp đấu nối (patch cord) để kết nối các ổ cắm này đến thiết bị mạng. Ngược lại, bản thân MUTOA chính là các ổ cắm cho các khu vực làm việc. Các kết nối cáp ngang sẽ được kéo từ phòng TR đến MUTOA, sau đó, chỉ cần dùng cáp đấu nối để kết nối trực tiếp các thiết bị mạng đến MUTOA.
Vào năm 2005, hộp đấu nối viễn thông (TE) là một thiết bị mới. Cùng với việc cập nhật tiêu chuẩn TIA/EIA-568-B.1 và 569-B, mô hình kết nối theo kiểu zone cabling có thể được mở rộng bởi các thiết bị chủ động. Hiện nay, một hộp TE sử dụng sợi quang có thể kéo dài lên đến 300m tính từ khu vực đấu nối trung tâm (main crossconnect), không còn bị hạn chế trong khoảng cách 90 m nữa. Trong các trường hợp có phòng TR đang hoạt động nhưng không thể bao phủ được hết tất cả diện tích sàn tòa nhà và không đảm bảo được phạm vi 90 m của cáp ngang, hộp TE là lựa chọn lý tưởng. Điển hình như các trường học, TE được sử dụng để kết nối phòng TR đến các phòng học ở khoảng cách xa hơn 90 m.
Khả năng linh động là một đặc điểm quan trọng cần chú ý trong các kiểu kết nối theo zone cabling, vì chúng có thể sử dụng được cho nhiều môi trường khác nhau chứ không chỉ riêng cho môi trường văn phòng mở. Ngày nay, các hệ thống điều khiển tự động của tòa nhà, các mạng không dây và thậm chí các trung tâm dữ liệu đều có thể vận dụng tính linh động này của mô hình zone cabling. Điều cần chú ý hơn là các tiêu chuẩn đã quy định rõ ràng về việc thiết kế và triển khai hệ thống kết nối cáp theo mô hình zone cabling. Điều này cũng đồng nghĩa mô hình zone cabling đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực tự động hóa
Một dự án đang thực hiện bởi TR-42.1–Tiểu ban kết nối cáp cho tòa nhà thương mại của TIA đang xem xét lại các tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực kết nối cáp cho hệ thống tự động hóa của tòa nhà. Tiêu chuẩn về kết nối cáp cho hệ thống tự động hóa của tòa nhà đang được lưu hành hiện nay là TIA-862-A. Phiên bản “B” của tiêu chuẩn này đang được xem xét và khi hoàn thành, nó sẽ sử dụng các thuật ngữ như “tòa nhà thông minh” thay cho cụm từ “hệ thống tự động hóa của tòa nhà”.
Trong phần giải thích về tiêu chuẩn TIA-862-A trên blog của Standards Informant, hãng Siemon cho rằng: “Một thiết kế kết nối cáp cấu trúc theo mô hình zone cabling bao gồm: các cáp ngang được kéo từ một điểm kết nối cáp ngang trong phòng TR đến các hộp đấu nối của zone cabling (hộp đấu nối này chứa cả kết nối cáp cho hệ thống tự động hóa của tòa nhà và kết nối cáp của dữ liệu và thoại). Sau đó, cáp sẽ được lắp đặt từ hộp đấu nối của zone cabling đến các thiết bị mạng và các ổ cắm của khu vực làm việc. Mô hình zone cabling mang nhiều tiện ích như dễ triển khai, thuận lợi khi đấu nối cáp trục và cải thiện khả năng tận dụng đường đi cáp. Khi cần bố trí lại vị trí làm việc của nhân viên, hoặc tổ chức lại không gian sàn của công ty, tổ chức và cơ quan, sử dụng zone cabling sẽ giúp việc thay đổi, di chuyển và thêm mới (MAC–moves, additions, changes) các kết nối được dễ dàng, nhanh chóng và tốn ít chi phí”.
Trong các thiết kế mạng không dây
Khi lưu lượng mạng nội bộ không dây (WLAN) ngày càng tăng, hiệu suất của các kết nối cáp dùng để kết nối đến thiết bị truy cập không dây (access point) cũng ngày càng quan trọng. Do đó, cần phải kết hợp chặt chẽ hiệu suất của các kết nối cáp trong thiết kế mạng không dây nhằm cung cấp đủ phạm vi bao phủ mạng, và tối ưu hóa bản thiết kế mạng không dây để đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Theo mô hình kết nối cáp mạng truyền thống, cáp ngang thường được dùng để nối trực tiếp các ổ cắm của thiết bị truy cập không dây đến các ổ cắm trên thanh đấu nối (patch panel) đặt trong phòng TR. Việc thay đổi, di chuyển hoặc thêm mới các kết nối cáp rất khó khăn và tốn kém. Mô hình kết nối cáp theo zone cabling không chỉ giải quyết những khó khăn trên, mà còn giúp các thiết kế mạng không dây trở nên linh động hơn, lắp đặt dễ dàng hơn và có chi phí vận hành thấp hơn.
Mô hình phân phối cáp theo kiểu zone cabling sẽ kéo cáp ngang từ phòng thiết bị đến một zone cụ thể nào đó trong tòa nhà, mỗi zone được xem như một CP. Điều này có nghĩa, các kết nối cáp ngang cố định này sẽ được lắp đặt trong CP, sau đó, dùng cáp để kết nối từ CP đến các ổ cắm của thiết bị truy cập không dây. Phương pháp này giúp việc kết nối cáp từ CP đến các ổ cắm của thiết bị truy cập không dây trong phạm vi cụ thể được linh động hơn, tăng cường khả năng dự phòng khi cần MAC, và đặc biệt hữu ích trong trường hợp cần trang bị thêm thiết bị mới nhưng chưa biết vị trí chính xác hoặc những nơi cáp khó kéo tới. Khi đó, người thi công có thể uyển chuyển việc kéo cáp và thay đổi chiều dài cáp từ CP đến các ổ cắm dành cho thiết bị truy cập không dây và các thiết bị khác của tòa nhà thông minh.
Từ văn phòng mở đến trung tâm dữ liệu
Với TIA-942– Tiêu chuẩn về hạ tầng viễn thông cho trung tâm dữ liệu được ban hành vào năm 2005, khái niệm về zone cabling được ứng dụng vào trung tâm dữ liệu. Sau này, khi TIA tiến hành sửa đổi và bổ sung tiêu chuẩn TIA-942 thành tiêu chuẩn TIA-942 thành tiêu chuẩn TIA-942-A (ban hành năm 2012), sơ đồ bố trí theo mô hình zone cabling vẫn được duy trì. Cả hai tiêu chuẩn TIA-942 và TIA-942-A đều phải có khu vực phân phối (ZDA–zone distribution area) trong mô hình như một tùy chọn khi thiết kế trung tâm dữ liệu.
Jonathan Jew, chủ tịch công ty tư vấn J&M, người có vai trò quan trọng trong việc phát triển tiêu chuẩn TIA-942 và TIA-942-A giải thích lý do vì sao cần có ZDA trong hai tiêu chuẩn này. “ZDA trong tiêu chuẩn TIA-942 và TIA-942-A sẽ rất hữu ích cho những trường hợp sau: 1– các khu vực trong trung tâm dữ liệu cần kết nối cáp nhưng chưa biết vị trí chính xác hoặc sẽ thay đổi vị trí thường xuyên. 2– các thiết bị được lắp đặt trực tiếp trên sàn như thiết bị lưu trữ và máy chủ lớn dạng khung, nơi không lắp đặt được các thanh đấu nối”.
Trường hợp thứ nhất– với các yêu cầu về kết nối cáp không cố định hoặc hay thay đổi, ZDA đóng vai trò như một CP, các ổ cắm hoặc thanh đấu nối của thiết bị sẽ được lắp đặt bên trong tủ thiết bị.
Trường hợp thứ hai– với các thiết bị không đặt trong tủ mà đặt trực tiếp trên sàn, ZDA sẽ chứa các ổ cắm hoặc thanh đấu nối của thiết bị; các dây đấu nối (patch cord) dài sẽ được sử dụng để kết nối trực tiếp từ ZDA đến các thiết bị đặt trên sàn nhà.
Trong cả hai trường hợp, chúng tôi đều tránh dùng ZDA thay cho HDA (horizontal distribution area), vì ZDA không thể chứa các thiết bị chủ động và các kết nối chéo (crossconnect). Một CP là một interconnect. Để hạn chế việc tắt nghẽn cáp trong ZDA, chúng tôi cũng quy định cụ thể số lượng kết nối cáp đồng đôi xoắn không được vượt quá 288 kết nối (cổng) trong một ZDA.
ZDA có thể được đặt ở phía dưới sàn nâng, trên đầu tủ chứa thiết bị, hoặc bên trong tủ rack.
Zone cabling– là khái niệm kết nối cáp bắt nguồn từ suy nghĩ làm thế nào để di chuyển, thay đổi và thêm mới (MAC) các kết nối cáp trong môi trường văn phòng mở được dễ dàng, nhanh chóng và ít tốn kém chi phí nhất. Hiện nay, mô hình kết nối cáp này đã được áp dụng phổ biến không chỉ trong các văn phòng mở, mà còn cho rất nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt trong trung tâm dữ liệu. Điều này đã được minh chứng trong thực tế và mang lại hiệu quả rất cao.
Nguyễn Văn Đông Minh
Theo CIM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét