Định nghĩa các thể loại nhạc
Khi nghe nhạc và thưởng thức âm nhạc, những kiến thức âm nhạc này hy vọng sẽ làm cho các bạn có được sự cảm nhận đúng đắn và sâu sắc hơn.
Nhạc Jazz
Jazz là một nét văn hoá bản xứ ban đầu chỉ của riêng người Mỹ và đã được tạo ra bởi người Mỹ. Âm nhạc phương Tây và châu Phi là nơi đã gieo hạt nên jazz, nhưng chính văn hoá Mỹ mới là nơi jazz nảy mầm và phát triển. Jazz không phải là loại nhạc của người da trắng, cũng chẳng phải là của người da đen, mà nó là cả một câu chuyện về những phong tục, di sản và cả triết học.
Trong suốt những năm đầu tiên phát triển của đất nước Mỹ, chế độ sở hữu nô lệ được coi là một chuẩn mực. Nô lệ bị ép buộc đến từ châu Phi phải làm việc vất vả trong các đồn điền của người Mỹ. Những nhạc công và những tài năng âm nhạc trong số đó đã học được rất nhanh nền âm nhạc vốn có sẵn của phương Tây, cùng lúc đó, âm nhạc phương Tây cũng đã có không ít bài học về âm nhạc Phi châu.
Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc hơn phương Tây rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Thổ dân châu Phi rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ.
Hơn nữa, một số những người Mỹ da đen mới cũng thể hiện mình thông qua nét âm nhạc truyền thống của họ. Vì cách xa quê hương nên âm nhạc truyền thống một phần cũng không thể thể hiện chính xác được vì rất nhiều lý do, ví dụ như không được sử dụng các nhạc cụ châu Phi truyền thống. Có thể hiểu như một ban nhạc rock của các nghệ sỹ châu Phi khi biểu diễn ở Mỹ không được sử dụng bất cứ một cây guitar điện, một dàn trống… Tuy vậy, ban nhạc này vẫn đủ nội lực để có thể sử dụng các nhạc cụ có sẵn tạo ra âm nhạc của mình và điều này là chính xác đối với các nô lệ da đen ở Mỹ.
Bên cạnh việc tìm các nhạc cụ mới, các nhạc sỹ châu Phi cũng đã mở rộng mình để tìm hiểu âm nhạc của phương Tây. Sự mở rộng này là khởi nguồn nảy mầm của nhạc jazz. Những ca từ, giai điệu, nhịp điệu, và cả văn hoá Tây phương không ít thì nhiều cũng đã dần thấm vào những người da đen. Tất nhiên, các nhạc sỹ da trắng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều khi nghe nhạc của người da đen. Thời gian trôi qua, và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz.
Một số các nghệ sỹ đã nổi lên vào thời điểm này như Don Redman (saxophone), Bix Beiderbecke (trumpet), Fletcher Henderson (band leader), Jelly Roll Morton (piano/composer), và Kid Ory (trombone/composer).
Một nghệ sỹ đã trở nên chín chắn và được mọi người thán phục vào thời kỳ này là Louis “Satchmo” Armstrong (trumpet). Armstrong đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhạc Jazz, vì vậy nhiều người gọi ông là “cha đẻ” của Jazz. Muốn thêm thông tin thì có thể vào trang web http://louis-armstrong.net
Vào thời của Armstrong, các nhạc sỹ gọi ông là “Pops” như là dấu hiệu của sự kính trọng. Armstrong là nghệ sỹ solo lớn đầu tiên trong lịch sử nhạc Jazz và những nốt nhạc phiêu du của ông đánh dấu một bước ngoặt trong Jazz với việc xuất hiện những khúc solo ngẫu hứng mà trước đây là của một nhóm nhạc sỹ. Satchmo cũng là người đầu tiên đã định lại nhịp điệu của Jazz bằng cách bỏ tính cứng nhắc trong Ragtime, áp dụng nhịp 8 nốt du dương, và làm cho người nghe cảm tưởng những nốt nhạc của ông luôn đi sau nhịp của bản nhạc. Tất cả những thay đổi này khiến người nghe có cảm giác thư giãn và được gọi về sau là Jazz swing.
Armstrong mang đến một cách nghĩ mới, âm nhạc của ông được dựa trên một cấu trúc chặt chẽ và không phải chỉ là một nét tô điểm thêm cho bản nhạc mà trái lại là một giai điệu riêng dựa trên các hợp âm đã có sẵn(khái niệm âm nhạc này vẫn còn được áp dụng cho các khúc ngẫu hứng hiện nay).
Bên cạnh tiếng trumpet đầy cảm xúc của mình, Armstrong có một cách hát ảnh hưởng rất nhiều đến các ca sỹ hát Jazz. Ông đã phổ biến một lối hát Jazz không thành lời (scat). Trong lối hát này, các ca sỹ hát ngẫu hứng các âm tiết thay cho các từ.
Nhạc Blues
Cùng với nhạc Jazz, nhạc Blues có nguồn gốc từ những bài ca lao động, tôn giáo và dân ca của người Mỹ da đen được người Mỹ da đen khởi xướng vào đầu thế kỷ 20. Nhạc Blues thường buồn, vì thế nên có tên Blues (buồn) Nhạc Jazz thường được biểu diễn bằng kèn, giai điệu réo rắt.
Khởi nguồn của Blues không đơn giản một cách chắc chắn như là đã được khắc lên đá. Trong một vài năm, đã có rất nhiều chuẩn mực về giai điệu, cách hoà âm được thiết lập, và những chuẩn mực này đã và vẫn đang được biểu diễn rộng rãi. Blues có thể rất buồn, hạnh phúc, chậm, nhanh, không lời, ca khúc… và thậm chí là bất cứ nét nhạc nào do các nghệ sỹ viết ra.
Lịch sử của các giọng hát nhạc blues được chia thành hai nửa. Mỗi nửa thể hiện một giai đoạn khác nhau. Nửa đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến những năm 1930. Nửa này ghi nhận hai phong cách hát blues riêng biệt. Phong cách thứ nhất có thể được coi là country hoặc rural-blues trong khi đó phong cách còn lại được gắn mác city hoặc urban-blues ().
Nhạc blues đồng quê được hát bởi những người đàn ông với nhạc cụ và phần nhạc đệm đơn giản. Những ca sỹ hát nhạc blues thời đó thường chỉ có cây guitar là nhạc cụ duy nhất để đệm cho mình. Ca từ cũng rất đơn giản và âm nhạc thật sự rất mộc mạc và không hề được gọt dũa. Một số ca sỹ nam nổi tiếng được ghi vào sử sách có thể kể tới là Lightnin' Hopkins, Huddie Ledbetter, Big Bill Broonzy, và Blind Lemon Jefferson.
Nhạc blues thành phố bao gồm cả giọng ca của các ca sỹ nam và nữ. Âm nhạc ở đây tao nhã và tinh tế hơn nhạc blues đồng quê. Thay bởi phần nhạc nền đơn giản, những ca sỹ nhạc đồng quê thành phố còn có thể sử dụng một nhóm khiêu vũ nhỏ phụ hoạ. Bessie Smith, Ma Rainey, và Chippie Hill là những ca sỹ nổi tiếng nhất ở phong cách này.
Sau năm 1930, phong cách nhạc blues bắt đầu thay đổi. Đi theo sự phát triển của các giọng ca blues, sự phát triển trình độ của một số các nhạc công cũng tăng lên đáng kể. Vào lúc này, những nghệ sỹ nhạc blues lớn có thể sử dụng nhạc cụ tốt như là giọng hát của họ. Vào thời gian khởi đầu, các nhạc công thường bắt chước phong cách của các ca sỹ nhưng đến thời điểm này một số ca sỹ cũng đã phải sao chép phong cách của các nhạc công lớn.
Một số các nghệ sỹ chính trong thời kỳ này có thể kể đến như
Joe Turner (có ảnh hưởng lớn tới Rock ‘n’ Roll sau này) ,
Joe Williams, và Jimmy Rushing (Williams và Rushing đều hát trong ban nhạc nổi tiếng Count Basie).
Các nhạc sỹ có thể vừa hát vùa đệm đàn nổi tiếng có thể kể tới Louis “Satchmo” Armstrong, B.B.King, Ray Charles.
Blues được sử dụng nhiều trong tất cả các loại nhạc phổ thông.
Nhạc Country (đồng quê)
Trước hết, có thể hiểu ngay " nhạc Country" đó là nhạc đồng quê. Khi âm thanh và giai điệu nổi lên, người ta có thể hình dung đến những đồng cỏ bạc ngàn xanh mướt - với những chàng cao bồi miền Tây lãng du. Nói đúng hơn, nhạc Country gắn liền với một nển văn hoá cao bồi mà ở Mỹ chính là quê hương. Nhạc đồng quê ra đời ở Mỹ dựa trên nhạc thượng du miền Nam, chịu nhiều ảnh hưởng từ những hệ thống nhạc khác như Blues, Jazz. Loại nhạc này thường có giai điệu trầm buồn.
Nguồn gốc của chúng xuất phát từ những người dân Anh nhập cư đến Mỹ, họ mang theo những ca khúc Ballad Celtic với phần lời theo lối kể chuyện mộc mạc, bình dân. Nói khác đi, cội nguồn của nhạc nhạc country chính là những bài dân ca mà những người dân nhập cư từ Anh, Scotland, Iraland đã mang đến vùng núi Appalanchian ở miền Nam Mỹ vào thế kỷ 18 - 19.
Ðến thập niên 1930 - 1940, những bộ phim về cao bồi Viễn Tây đã làm dậy lên làn sóng nhạc country. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ngành công nghiệp ghi âm bùng nổ, Nashville trở thành chiếc nôi của nhạc Country. Và đến những năm 60, dòng nhạc này thực sự ở đỉnh cao với người khởi xướng là Bob Dylan và nhóm byrds. http://www.bobdylan.com/songs/
Dòng nhạc thanh cảnh, không cần nhiều nhạc cụ, đôi khi chỉ là một cây guitar; người ta vẫn say sưa hát. Nội dung đơn giản, chủ đề thường gặp ở nhạc Country là những triết lý nhỏ về cuộc sống, cuộc đời của những người lao động, sự cô đơn hay những niềm tin và các mối quan hệ trong gia đình.
Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của người nghe, các nhà sản xuất thường pha trộn giữa Country với nhạc Pop và Rock đã phần nào làm cho người nghe, nhất là giới trẻ, khó có thể nhận và phân biệt từng loại nhạc ví dụ nhưnhững bài hát của Shania Twain http://www.shania-twain.com/ ; Garth Brooks; Trisha Yearwood. Tuy nhiên, cũng phải nhờ họ mà nhạc nhạc Country không bị rơi vào sự lãng quên.
Nhạc Rock
Còn gọi là Rock'N' Roll, do Elvis Presley khai sinh từ thập kỷ 50. http://www.elvis.com
Dựa trên tiết tấu của ca ba loại nhạc trước đó (Blues, Jazz, Country) nhưng Rock lại có tiết tấu mạnh và nhanh, thường sử dụng các loại nhạc cụ điện tử.
Rock chú ý tới hiệu ứng âm thanh của các nhạc cụ hơn là giọng hát.
"Folk rock" (rock dân ca) là loại rock nhẹ giống như "slow-rock", "soft-rock"...
"Hard rock" là loại Rock nặng với tiết tấu dữ dội và âm thanh cực lớn, chát chúa. Cùng thể loại này là "heavy rock", "heavy metal".
Tất cả những ban nhạc nổi tiếng thập kỷ 60 đều bắt đầu bằng nhạc rock and roll. Đó là Beatles http://www.beatlesagain.com/ , Rolling Stones, The Kinds, The Who, Manfred Mann, The Animals. Trong thời gian này, nơi bùng nổ nhạc trẻ một cách mạnh mẽ nhất là Liverpool. Tại thành phố này xuất hiện rất nhiều "câu lạc bộ" dạng đó lần đầu tiên có một ban nhạc tên là The Quarryman biểu diễn. Sau đó, ban nhạc đổi tên là Sliver Beatles rồi trở thành The Beatles. Có thể kể ra những nhạc phẩm ban đầu của The Beatles mang đầy hơi hướng rock and roll như "Be Bop A-Lulla", "Kansas City", "Sweet Little Sixteen", "Matchbox"...
Vào thời kỳ này, xuất hiện một ban nhạc cũng rất nổi tiếng, cạnh tranh củng Beatles trong nhiều năm ròng. Đó là Rolling Stones với những ca khúc rythm and blues mạnh mẽ. Các thành viên ban nhạc này xuất thân từ khu phố lao động Richmond (London - Anh). Họ thường biểu diễn nhạc blues và rythm and blues tại các quán rượu trong vùng vào các chiều thứ bảy.
Năm 1963, Andrew Loog Oldham, một ông bầu âm nhạc 19 tuổi, đã phát hiện ra tài nghệ tuyệt vời của họ. Nhưng lúc bấy giờ, cả Oldham lẫn ban nhạc Rolling Stones không có tiền may quần áo biểu diễn. Bởi vậy họ lên sân khấu trong trang phục thường ngày. Không ngờ điều này lại gây ấn tượng khác thường đối với khán giả. Trong lúc biểu diễn, Rolling Stones cũng chối bỏ hoàn toàn kiểu dáng, phong cách của các ban nhạc khác.
Cũng cần nhắc đến một ban nhạc đặc biệt. Đó là ban nhạc The Animals (cũng của nước Anh) chuyên chơi loại nhạc hỗn hợp của rock and roll, blues và pop. Lúc ban đầu, ban nhạc mang tên Alan Price Combo. Sau này, khán giả gọi họ là The Animals (những con thú) bởi phong cách biểu diễn khá cuồng nhiệt và bởi âm nhạc của họ rất sôi động. Một trong những nhạc phẩm thành công nhất của The Animals là "The House Of The Rising Sun". Năm 1964, bài hát này làm sôi động không chỉ nước Anh mà cả nước Mỹ - nơi mà khán thính giả thuộc loại "không dễ tính". Lời bài hát có thể tìm thấy ở đây http://home.swipnet.se/capotasto/lyrics1/h..._rising_sun.htm (http://home.swipnet.se/capotasto/lyrics1/house_of_the_rising_sun.htm)
Nhạc pop
Là loại nhạc phổ biến (popular) hiện nay ở hầu hết các ca khúc như của Celine Dion, Madonna, Frank Sinatra, Brandy...Pop chú trọng nhiều hơn Rock về giai điệu và nhịp điệu, âm thanh cũng mềm hơn.
Nhạc pop và rock phát triển nhanh nhất ở nước Anh. Những năm 1960 - 1963 là khoảng thời gian loại nhạc rock and roll được thay thế bằng một tào lưu nhạc trẻ dưới cái tên nhạc pop. Đó cũng là khoảng thời gian mà rất nhiều ca sĩ trở nên nổi tiếng, trong đó có bộ ba ca sĩ nổi tiếng nhất ở Anh là Cliff Richard, Adam Faith và Bill Fury.
FLAMENCO
Flamenco là một loại hình nghệ thuật mang đậm phong cách đặc trưng của nền văn hoá Tây Ban Nha, tổng hợp từ ba thể loại : Cante, bài hát; Baile, vũ điệu, và Guitarra, nhạc công chơi guitar. Khi mới nghe Flamenco, ta dễ lầm tưởng đó chỉ là những giai điệu đơn giản được hoà trong tiếng gõ nhịp cùng những vũ nữ với bộ váy xoè nhiều lớp, nhưng thật sự đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và tràn đầy rung cảm nghệ thuật.
Những người Gyspi ở miền Nam Tây Ban Nha được coi là người sáng tạo ra, tuy nhiên những bài hát và điệu nhảay dân gian Tây Ban Nha, cùng sự giao thoa của các nền văn hoá trong nhiều thế kỷ đã góp phần trực tiếp và gián tiếp cho sự hình thành của Flamenco. Flamenco được nhắc tới trong văn học đầu tiên ở tác phẩm “Cartas Marruecas” của Cadalso vào năm 1774. Trong khoảng những năm 1765 và 1860, những trường học dạy về Flamenco được hình thành với tên gọi: Jerez de la Frontera và Triana (Seville). Trong thời kỳ này, Flamenco bắt đầu được trình diễn tại những phòng khiêu vũ. Flamenco sơ kỳ mới chỉ là những âm thanh cùng tiếng vỗ tay theo giai điệu. Sau này mới có thêm biểu diễn guitar.Từ những năm 1910 tới 1955, hát nhạc Flamenco gọi là upera flamenca, với những dạng nhạc dễ hát như fandagos và cantes de ida y vuelta. Những ca khúc có giai điệu cơ bản với đặc trưng không thể thiếu, đó là đàn guitar và tiếng vỗ như lôi cuốn mọi người cùng tham gia. Hai thể loại chính trong hát Flamenco, đó là : “Jondo”- thể hiện sự sâu sắc, uyên thâm, nghiêm túc, nội dung thường thể hiện thái độ, phản ứng của những người dân nộ lệ bị áp bức trong nhiều thế kỷ; thể loại thứ hai là “chico”- mang âm hưởng vui tươi, nhẹ nhàng. Khúc nhạc “El cante” được coi là phần quan trọng nhất, khởi nguồn sáng tạo và đam mê cho người chơi guitar “el toque” và vũ điệu “el baile”. Khác với vũ đạo Châu Âu, Flamenco mang hơi hướng phương Đông. Vũ công qua động tác và thần thái phải truyền tải được những ý tưởng, tình cảm và nội dung của ca khúc. Những nhịp điệu được kết hợp cùng tiếng gõ chân kỹ thuật, vì vậy giày nhảy của vũ công thường là loại đặc biệt với nhiều đinh tán ở đế giày. Y phục của người vũ nữ là những bộ váy xoè nhiều lớp, ôm sát người để tôn lên dáng điệu yêu kiều, uyển chuyển
Từ 1915, Flamenco được biểu diễn khắp mọi nơi trên thế giới, và trở thành một môn nghệ thuật khiến mọi người say mê ham thích. Năm 1955 là thời kỳ phục hưng của Flamenco gắn liền với tên tuổi nghệ sỹ vĩ đại Antonio Mairena. Không chỉ những vũ công và các ca sỹ mới trình diễn Flamenco ở những nhà hát lớn mà còn có cả những tay guitar. Thực sự Flamenco đã ảnh hưởng không nhỏ tới những dòng nhạc như Jazz, Salsa, Bossa Nova…Vũ điệu cũng dần có sự thay đổi, những vũ nữ thể hiện cho thấy sự thần thái của họ hơn mức độ nghệ thuật. Nhạc công guitar cũng bắt đầu tách ra để thể hiện nghệ thuật độc tấu, nghệ sỹ bậc thầy Paco de Lucia chính là người đi tiên phong cho sự phát triển này. Guitar Flamenco dần dần trở thành một trường phái độc lập với sức hấp dẫn và vị thế riêng. Tuy nhiên trong chiến tranh thế giới thứ hai, guitar Flamenco cũng bị gián đoạn một thời gian dài. Kỹ thuật guitar có những nét khác so với guitar hiện đại. Nhiều người cho rằng chất liệu gỗ đóng vai trò quan trong trong cây đàn. Gỗ đàn flamenco luôn nhẹ hơn gỗ đàn thường, vì vậy âm thanh cũng nhẹ và vang hơn. Ở loại đàn này có một bộ phận gọi là golpeadores, để bảo vệ thùng đàn trước những cú đánh móng nhanh và mạnh. Những nghệ sỹ guitar tên tuổi đóng góp cho dòng nhạc này phải kể tới: Javier Molina, Nino Ricardo, Ramun Montoya, Sabicas…. và nghệ sỹ tài danh Paco de Lucia.Ngày nay, Flamenco phát triển thành nhiều thể loại và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, tựu chung chia làm hai trường phái : cổ điển và hiện đại. Dòng nhạc hiện đại có xu hướng pha trộn giữa Flamenco với nhạc jazz, blues, rock và nhạc pop. Hàng năm vào tháng 9 tại Tây Ban Nha, thường tổ chức những festival quan trọng, đó là ngày hội để thể hiện những tinh hoa của dòng nhạc Flamenco. Hãy nghe nhận xét của nghệ sỹ Carmen Linares - người được kính trọng và nổi tiếng tại Tây Ban Nha: “Để hiểu kỹ về Flamenco quả thật không dễ, nhưng nó lại gợi được sự đồng cảm. Khi đi biểu diễn tại nước ngoài, tôi biết có những người không hiểu lời ca tôi đang hát, nhưng họ có thể rung cảm với giai điệu và cảm nhận được mối liên hệ trong tâm hồn với những người xung quanh. Flamenco giống như chính cuộc sống vậy, chúng tôi hát về tình yêu, hạnh phúc, nỗi đau khổ…, về tất cả những gì con người từng trải qua trong cuộc đời mình”.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét