(Thế Giới @) - Chọn mua bộ loa không quá khó, cái khó là sự hòa hợp của bộ loa với dàn âm thanh cũng như làm thỏa mãn đôi tai của người nghe
Chơi loa - mốt mớiGiữa một rừng loa đủ loại thì việc tìm kiếm một bộ loa hay, ăn ý với dàn âm thanh cần ở người mua sự kiên trì, nhẫn nại và niềm đam mê mãnh liệt. Bởi lẽ một bộ loa như những viên đá thô sơ, cần sự kết hợp tài tình đầy kinh nghiệm của người chơi, giúp nó lột tả được hết sự sâu lắng, thăng trầm, bay bổng hay dữ dội của âm thanh. Do đó, chọn loa đôi khi đầy may rủi nhưng nếu may mắn, những đôi tai khó tính sẽ được mãn nguyện.
Nguồn gốc của ngành công nghiệp loa được cho là vào thập niên 1920, khi hai nhà nghiên cứu Chester Rice và Edward Kellogg của hãng General Electric đưa ra mô hình loa điện động màng nón. Cho đến nay, loa đã có hàng chục chủng loại như loa kèn, loa đồng trục, loa mành tĩnh điện, loa đa hướng, loa kỹ thuật số...
Vật liệu làm màng loa cũng rất đa dạng, từ giấy, sợi, lụa, polypropylene, titanium, nhôm, plastic hay gỗ... Tuy nhiên, kỹ thuật để làm loa vẫn là bí mật của mỗi nhà sản xuất, từ cách chọn vật liệu và gia công là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các thương hiệu với nhau.
nhiều người sau một thời gian đam mê loa đã nhận định chơi loa là một nghệ thuật không có điểm dừng mà chỉ đạt được sự thăng hoa
Sau thời gian dài phát triển, loa không chỉ đơn thuần để nghe nhạc mà còn là vật trang trí trong gia đình nhờ thùng loa hay chân đế được thiết kế tinh tế, sang trọng.
Loa nào không gian nấy
Khi cho ra mắt một mẫu loa, nhà sản xuất loa đều mong muốn đáp ứng được đa dạng nhu cầu thực tế sử dụng của người dùng, có thể là để loa trong nhà, hay ngoài trời... Vì tại mỗi không gian đó, mức âm phản xạ hay nhiễu tạp sẽ khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh khi loa phát đến tai người nghe. Như ở nhà, loa không cần công suất quá lớn như loa đặt ngoài trời nhưng yêu cầu về chất âm cao hơn.
Một vấn đề mà nhiều hãng sản xuất loa mong muốn đạt được là tạo ra bộ loa có thể trình diễn tối ưu chất lượng âm thanh ở mọi không gian nhưng rất khó vì mỗi không gian sẽ cần những bộ loa riêng phù hợp. Nguyên nhân vì bản chất của loa là tái tạo sóng âm nên để loa thể hiện được đúng chất lượng âm thanh cần phải giảm tối đa các âm thanh xung quanh làm ảnh hưởng và cần cho loa một không gian tương xứng với nó. Một căn phòng không được xử lý chuyên nghiệp như cách âm không hiệu quả, xử lý âm phản xạ chưa đạt thì khó có thể giúp loa thể hiện đúng tố chất của nó.
Phù hợp với chi phí
Do trên thị trường hiện nay có rất nhiều bộ loa với giá thành và chất lượng cao thấp khác nhau nên khi chọn loa, cần có những tiêu chí cần xem xét trước như chi phí là điều dễ đặt ra nhất. Với mức chi phí tối đa đã định trước, người mua sẽ sàng lọc được gần 50% mẫu loa có trên thị trường.
Kế đến là không gian đặt loa, nó giúp người mua định hình được kích thước của bộ loa cần mua sẽ như thế nào để bộ loa không quá nhỏ hay quá lớn so với không gian xung quanh. Nếu bạn sống ở nội thị thì không gian dành cho âm thanh sẽ bị giới hạn so với những người ở ngoại thành. Nếu muốn bộ loa của mình hòa lẫn với nội thất xung quanh hay là điểm nhấn chính trong phòng và không ngại phô bày những đôi loa to tướng thì cũng cần lưu ý những điều đó trước khi chọn loa.
Tuy nhiên, nếu chơi loa thực sự, vô tình hay may mắn tìm được bộ loa ưng ý, người mua sẽ phải cân nhắc những yếu tố trên, có thể chi nhiều hơn hoặc tính tới việc sửa chữa căn phòng để đặt bộ loa. Vì suy cho cùng, chọn loa cũng có cái duyên, nếu bỏ lỡ sẽ khó tìm được bộ khác ưng ý và phù hợp với dàn âm thanh của mình.
Bộ loa bạn mua phải hoàn toàn ăn khớp với hệ thống âm thanh sẵn có. Một đôi loa tốt đối với hệ thống này chưa chắc đã tốt với một hệ thống khác, hoặc một người có gu nghe khác. Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là dùng những đôi loa cao cấp với ampli rẻ tiền hay đầu đọc kém chất lượng. Việc đó sẽ tự giới hạn không cho loa phát huy hết khả năng.
Hãy chọn một dàn âm thanh cùng đẳng cấp với bộ loa. Đó cũng chính là cái khó khi chọn loa bởi lẽ một bộ loa không thật sự nổi bật về thiết kế hay giá tiền nhưng khi kết hợp với một dàn âm thanh phù hợp, bộ loa tầm thường cũng có thể thể hiện những âm thanh mà nhiều bộ loa hoàn hảo về chất lượng, giá trị khó có thể đạt được. Đồng thời đừng quên rằng vị trí đặt loa có yếu tố quyết định tới chất lượng âm thanh.
Hai thông số cần quan tâm
Trước khi quyết định, người mua cần phải xem xét các thông số kỹ thuật của loa. Công suất ampli và loa cần phối hợp với nhau thật ăn ý, bởi mỗi ampli sẽ hoạt động khác nhau đối với những đôi loa khác nhau và ngược lại. Thông số đáng chú ý khi chọn loa là độ nhạy. Nó được đánh giá bằng cách xem xét mức nén âm (sound pressure level - SPL) của chúng ở khoảng cách 1 m khi được cung cấp 1 Watt công suất.
Ví dụ: Nếu độ nhạy ghi trên loa là “88dB/1W/1m” có nghĩa là ở khoảng cách 1 m và với 1 W (watt - công suất), loa này có mức nén âm là 88dB. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng phối hợp giữa loa và ampli. Loa có độ nhạy càng cao, càng đỡ hao công suất ampli.
Một yếu tố khác là trở kháng của loa (8 Ohm chẳng hạn). Trở kháng càng thấp thì power ampli sẽ càng phải hoạt động vất vả. Nếu bạn chọn loa có trở kháng thấp, hãy chắc chắn rằng ampli công suất có thể tải được tốt đôi loa đó.
Thưởng thức cà phê cùng âm nhạc Hi-end
Nếu chưa có điều kiện để tậu một dàn âm thanh chất lượng cao mà vẫn muốn thưởng thức âm nhạc Hi-end tại TPHCM, các bạn có thể đến các quán cà phê để thưởng thức âm nhạc đúng chất nhạc Hi-end.
• Cafe Hi-End - 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1
• The Analog Zone Cafe - 29 Ngô Thời Nhiệm, quận 3
• The Cafe - 13 Hồ Xuân Hương quận 3
• The Cafe - 198 Trần Quốc Toản quận 3
• Cà phê Hollywoodome - 87B Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1
Hay, dở do... người nghe
Tuy nhiên, cũng không quá phụ thuộc vào thông số kỹ thuật khi chọn loa, bởi không giống như tốc độ xử lý hay bộ nhớ của máy tính, khả năng của một bộ loa còn phụ thuộc vào những bí quyết riêng của từng hãng sản xuất. Đối với thương hiệu cũng vậy, một thương hiệu thành danh với một hay nhiều bộ loa thì không hẳn tất cả loa mang thương hiệu đó là tốt. Chỉ có thể bảo đảm rằng bộ loa đó đạt yêu cầu về chất lượng và thông số kỹ thuật, còn những yếu tố còn lại là do người nghe đánh giá.
Do đó, nguồn âm nhạc của người nghe có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chọn loa. Nếu bạn thường xuyên nghe nhạc giao hưởng, hợp xướng hay guitar cổ điển thì một cặp loa mini monitor sẽ là lựa chọn tốt nhất. Trái lại, người nghe nhạc rock lại cần sức mạnh, dải tần thấp rộng và công suất bass của một hệ thống loa đứng mạnh mẽ. Mỗi cặp loa khác nhau có điểm mạnh và yếu khác nhau. Bằng cách phối hợp đặc tính của loa với sở thích cá nhân của người nghe sẽ cho chất lượng âm thanh tốt nhất trong từng thể loại nhạc người nghe ưa thích.
Đừng vội mua ngay
Nếu được, khi chọn mua loa nên mang theo nhiều đĩa nhạc ưa thích của mình và nghe thử chúng. Nên đến cửa hàng lúc vắng khách, khi đó, bạn có thể dành ít nhất một vài tiếng đồng hồ nghe thử. Một số loa mới nghe thì rất tuyệt, nhưng dần dần sẽ để lộ ra những điểm yếu. Hơn nữa, đừng thử nghe quá hai bộ loa trong một lần. Chẳng hạn, nếu bạn phải chọn lựa giữa 3 bộ loa, hay nghe thử hai bộ đầu trong lần thứ nhất, chọn lấy một bộ bạn cho là tốt hơn rồi quay lại sau để so sánh nó với bộ thứ ba.
Vào cuối năm 2010, Hoàng Hải Audio tại Hà Nội đã trình diễn bộ dàn âm thanh Hi-end số 1 Việt Nam với tổng trị giá lên tới 8 tỉ đồng. Được phối ghép bởi những thiết bị âm thanh đầu bảng của các hãng Audio nổi tiếng: Cặp loa JBL Everest DD 66000 có giá 1,4 tỉ đồng, cặp Power Marlevinson No53 giá 1 tỉ đồng, Pre Kondo M-1000 MKII: 1,36 tỉ đồng, bộ đầu đọc DCS Scalati: 1,44 tỉ, bộ dây dẫn ODIN, Transparent OPUS-MM2 lừng danh thế giới bao gồm dây loa và dây tín hiệu cùng với dây nguồn trị giá 2,74 tỉ đồng. Dàn âm thanh này được đánh giá là một trong những dàn âm thanh đắt giá nhất tại Việt Nam thời điểm đó.
Đừng vội mua ngay bộ loa đầu tiên bạn nghe chỉ bởi vì cảm thấy nó hay, bởi bạn sẽ không thể gọi nó là hay nếu không đem so sánh nó với những đôi loa khác do chính bạn nghe thử. Bạn cũng nên xem xét cả những thiết bị trong phòng nghe thử của cửa hàng, đảm bảo chúng “ngang tầm” với những thiết bị ở nhà mình. Tốt hơn hết là hãy đảm bảo sự tương đồng của các thông số kỹ thuật trước khi bạn thực hiện quá trình nghe thử. Nếu được, nơi tốt nhất để nghe thử loa là tại nhà vì không bị áp lực về thời gian và có thể lắng nghe đúng những gì bạn sẽ được nghe sau này.
Âm thanh Hi-end
Âm thanh Hi-end dành cho những người yêu nhạc chứ không phải những tiếng động sinh ra bởi các phương tiện điện tử (âm thanh điện tử).
Âm thanh Hi-end làm mất đi sự can thiệp của thiết bị đối với âm nhạc và người nghe sẽ hưởng thụ được âm nhạc ngay khi nó được phát ra. Mục tiêu của Hi-end audio không phải là thiết bị hay máy móc mà là âm nhạc. Khi đó thiết bị âm thanh bị quên lãng, gần như thay vào đó là ban nhạc ngay trong phòng nghe.
Một sự nhầm lẫn phổ biến ở đa số những người mới chơi dàn máy là âm thanh Hi-end có nghĩa là âm thanh Hi-price (đắt tiền). Cụm từ “Hi-end” có nguồn gốc và quan hệ mật thiết với đặc tính và hiệu quả của sản phẩm Hi-end chứ không phải giá tiền của nó. Nhiều hệ thống âm thanh Hi-end có giá thậm chí còn rẻ hơn so với dàn máy phổ thông. Đã có rất nhiều hệ thống âm thanh với giá rẻ mà vẫn thể hiện được tất cả các bản chất thực tế của việc tái tạo âm thanh chất lượng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét