Schiit DAC Bifrost và amplifier Lyr 2 một bộ đồ chơi âm thanh ở mức giá tầm trung, thế nhưng cả bề ngoài lẫn chất âm mà nó đem lại cho những người hâm mộ tai nghe cao cấp sẽ khiến cho họ cảm thấy xứng với từng đồng bỏ ra để sở hữu cặp đôi này.
Schiit là một thương hiệu âm thanh đến từ nước Mỹ. Khởi nghiệp từ tháng 06/2010 tại Valencia, California với chiếc desktop amplifier mang tên Asgard, cho tới nay đây là một trong số những thương hiệu âm thanh cá nhân được cộng đồng chơi tai nghe trên thế giới đánh giá cao, với những sản phẩm có tầm giá từ cực rẻ cho đến cực đắt.
Ở tầm bình dân chúng ta có combo Modi 2/Magni 2 với giá chỉ khoảng 4 triệu Đồng. Với những “dân chơi” thứ thiệt, những món đồ chơi như ampli Ragnarok (35 triệu Đồng) hay DAC Yggdrasil (gần 50 triệu Đồng) là món đồ họ luôn muốn thử nghiệm. Chính nhờ những sản phẩm như thế này mà Schiit có thể đến được với đại đa số người chơi âm thanh trên toàn thế giới, chứ không hề trói buộc thương hiệu ở một tầm giá cố định nào cả.
Trong bài viết ngày hôm nay, đáng tiếc là chúng ta sẽ không đến với bộ đôi DAC amp siêu rẻ cũng như siêu đắt mà tôi vừa kể tên ở phía trên. Thay vào đó sẽ là một bộ đồ chơi âm thanh ở mức giá tầm trung, thế nhưng cả bề ngoài lẫn chất âm mà nó đem lại cho những người hâm mộ tai nghe cao cấp sẽ khiến cho họ cảm thấy xứng với từng đồng bỏ ra để sở hữu cặp đôi này.
Đó chính là bộ DAC Bifrost và amplifier Lyr 2.
Sang trọng nhưng gần gũi
Điều đầu tiên cần phải đề cập, Schiit là một thương hiệu đến từ nước Mỹ. Và khi bạn nhìn mặt sau của bất kỳ thiết bị nào họ sản xuất ra, một dòng chữ Made in USA sẽ hiện ra, to, rõ ràng, dễ đọc. Điều này có nghĩa là không có bất kỳ những xưởng sản xuất đến từ “công xưởng của thế giới” nào được phép đụng tay vào quá trình lắp ráp những thiết bị của thương hiệu có cái tên cực kỳ nhạy cảm và gây cười này.
Hầu hết những thiết bị của Schiit đều sở hữu một kích cỡ nhất định, tạo ra vẻ đẹp mỹ thuật công nghiệp không chê vào đâu được khi đặt chúng xếp chồng lên nhau trên bàn làm việc hay góc nghe của người sử dụng. Nếu như những thiết bị cỡ nhỏ như Modi, Magni, Wyrd hay Loki đều sử dụng chung một bộ vỏ chassis, thì những sản phẩm như Asgard, Bifrost, Valhalla và Lyr cũng có cùng kích thước.
Ngay khi đặt bộ đôi Bifrost và Lyr 2 lên bàn, tôi đã có cảm giác “nể” những người làm việc ở Schiit. Lớp vỏ nhôm xước hợp với rất nhiều không gian, từ những chiếc bàn máy tính màu xám xanh cho tới những bàn làm việc sang trọng phủ lớp vecni nâu bóng loáng.
Bifrost và Lyr 2 có kích thước 22,8 x 15,2 cm, và khi chồng lên nhau chúng có chiều cao khoảng hơn 11cm. Một setup tương đối gọn gàng nếu so sánh tới những thiết bị dành cho tai nghe mà cá nhân tôi từng có cơ hội được sử dụng.
Có lẽ nhược điểm duy nhất trong quá trình thưởng thức bộ đôi này chính là nhiệt năng tỏa ra từ thiết bị khá cao. Cũng khó lòng trách được khi bản thân Lyr là một amplifier hybrid với khả năng nhận tín hiệu input từ bóng bán dẫn.
Tuy nhiên là một người khá mê những món đồ như thế này, bản thân tôi cũng không lấy đó làm phiền lòng vì trước đây từng có những thiết bị còn to lớn và… nóng bỏng hơn thế này nhiều.
Âm thanh tiệm cận chuẩn Hi End
Đối với nhiều người mê tai nghe, những sản phẩm có giá khoảng 8 đến 10 triệu Đồng có thể là đắt tiền, cao cấp, thế nhưng so sánh với những thiết bị đến từ Eddie Current, Woo Audio, Sennheiser hay chính bộ đôi Ragnarok và Yggdrasil của Schiit, thì Bifrost và Lyr 2 mới chỉ là cái tên entry không hơn không kém.
Hãy bắt đầu với Bifrost. Một trong những câu hỏi tôi được hỏi nhiều nhất từ những người đang bắt đầu chơi âm thanh chính là, mua tai nghe ngon nên chọn amplifier hay DAC trước. Câu trả lời là DAC. Với một setup âm thanh số, khi bạn nghe nhạc từ máy tính, laptop hay các thiết bị, DAC luôn là thứ đầu tiên biến tín hiệu số từ các bản nhạc trở thành tín hiệu analog để chuyển tới chip ampli hay những thiết bị đầu cuối như loa hay tai nghe.
Không có DAC, thì có lẽ cũng sẽ chẳng có nhạc số. Những chiếc máy tính hay điện thoại của chúng ta cũng có chip DAC, thế nhưng việc xử lý của những thiết bị tích hợp như thế này chưa thể nào chiều lòng được những kẻ khó tính, khi background không sạch sẽ và âm thanh khó lòng có thể chấp nhận.
Và như vậy, những sản phẩm như ODAC, Modi hay cả S16 mà chúng tôi từng có cơ hội gửi tới các bạn độc giả trong thời gian trước đây đã nhận được không ít phản hồi tích cực của cộng đồng âm thanh nước nhà.
Quay trở lại với Bifrost. Thay vì sử dụng chip DAC Sabre hay Wolfson, chiếc DAC này sử dụng chip AKM4399 của Asahi Kasei Nhật Bản với khả năng giải mã 32 bit. Dĩ nhiên chip DAC cao cấp không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng âm thanh đúng với số tiền người sử dụng bỏ ra. Việc nhà sản xuất sử dụng chip DAC đó với thiết kế mạch ra sao mới là điểm quan trọng hơn cả.
Tôi không chỉ thử nghiệm Bifrost với ampli Lyr 2 mà còn sử dụng kèm cả chiếc ampli OTL mà tôi đang sở hữu, Bottlehead Crack cùng ba chiếc headphone: BeyerDynamic DT990, Sennheiser HD580 và AudioTechnica R70x. Cảm nhận đầu tiên chính là ở âm trường của Bifrost.
Rất hiếm khi một mẫu DAC có giá dưới 15 triệu Đồng lại đem lại trải nghiệm thoải mái khi thưởng thức những bản nhạc giao hưởng hay cổ điển như Bifrost. Từng nhạc cụ, cho đến giọng hát cho tới cả chi tiết được tái tạo một cách khó lòng có thể đòi hỏi hơn. Âm cao cũng không hề tạo cảm giác sạn. Chúng thoáng đãng, không gò bó chút nào và thậm chí đôi khi hơi khó chịu và réo rắt nếu bạn nghe chưa quen.
Âm thanh mà Bifrost tái tạo lại từ file nhạc số tương đối cân bằng, không thêm thắt bất kỳ chi tiết màu mè nào và để mặc cho chiếc amplifier của chúng ta xử lý nốt những thứ còn lại. Bên cạnh đó, background noise của những bản nhạc được xử lý qua chiếc DAC này cũng vô cùng sạch sẽ.
Tuy nhiên nếu để so sánh Bifrost với những sản phẩm ở tầm cỡ high end, những thứ bạn phải bỏ rất, rất nhiều tiền để sở hữu thì có thể món đồ chơi của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được “khẩu vị” của những người lắm tiền nhiều của, sẵn sàng đổ tiền tấn để chiều chuộng thú chơi.
Một trong số những yếu điểm của Bifrost so sánh với những kẻ nằm “chiếu trên” là dải mid chưa thực sự ấn tượng, hơi thiếu sức sống và độ dày cần có. Thế nhưng mục tiêu của Schiit khi tạo ra Bifrost hẳn không phải là đánh bại những sản phẩm đắt tiền, mà thay vào đó là tạo ra một tiêu chuẩn cho người sử dụng tầm trung. Vui một chút, nếu như Bifrost nghe hay ngang Yggdrasil có giá gần 50 triệu Đồng thì tôi chắc cũng chẳng nề hà gì mà tậu “em nó” về sử dụng.
Phiên bản Bifrost được phân phối chính hãng tại Việt Nam sở hữu những nâng cấp cao nhất mà chiếc DAC này có thể có: Mạch xử lý tín hiệu Analog riêng biệt, với công nghệ lấy từ sản phẩm cao cấp Schiit Mjolnir vốn chỉ dành cho những thiết bị sở hữu cổng ra balance, và mạch nhận tín hiệu USB Gen 2 với giao thức Asynchronous 2.0, tạo ra hiệu năng tiếp nhận và xử lý tín hiệu nhanh, mượt mà hơn.
Ở phiên bản gốc, Bifrost chỉ có giá khoảng gần 8 triệu Đồng, tuy nhiên với hai nâng cấp lớn này, thiết bị đã có giá 13,7 triệu Đồng. Đắt hơn gấp rưỡi nhưng lại tương đối xứng với khoản tiền bỏ ra, theo trải nghiệm của cá nhân tôi. Trong tương lai, rất có thể công nghệ của mẫu DAC đầu bảng Yggdrasil cũng sẽ được ứng dụng vào chiếc DAC với khả năng nâng cấp gần như vô hạn này. Ở thời điểm hiện tại, Bifrost chẳng nề hà gì bất cứ đối thủ nào ở cùng tầm giá 15 đến 20 triệu, nếu không muốn nói là thỏa mãn hơn.
Hai vấn đề duy nhất tôi chưa vừa ý với Bifrost chính là việc nó không sở hữu mạch opamp để “cắm chay” những chiếc tai nghe. Giống với mọi thiết bị DAC khác của Schiit, bạn sẽ phải sở hữu amplifier để sử dụng chúng. Tuy nhiên điều này đôi khi lại là ưu điểm khi tín hiệu âm thanh output không hề bị chip opamp nào xử lý, gây ra những sai khác cho âm thanh khi đến tai người nghe.
Trong khi đó, tuy sở hữu 3 cổng nhận tín hiệu đầu vào: Coaxial, RCA và cổng quang, thế nhưng chỉ có đúng một đầu output ra amplifier. Điều này có nghĩa là Bifrost sẽ chỉ “chơi chung” với 1 và chỉ 1 thiết bị amplifier mà thôi. Tôi đã phải đứng lên ngồi xuống rất nhiều để chuyển dây tín hiệu từ Lyr 2 sang Crack để so sánh âm thanh.
Schiit Lyr 2
Lyr 2 sử dụng cả đèn bán dẫn lẫn tụ điện, bóng bán dẫn để nhận tín hiệu input và xuất tín hiệu cổng ra bằng tụ điện. Thế nhưng đây hoàn toàn không phải một mẫu ampli OTL như Crack hay Valhalla 2. Thay vào đó, phiên bản kế tiếp của mẫu amp hybrid tầm trung cao cấp nhất của Schiit được thiết kế lại hoàn toàn để hợp với hầu hết mọi phiên bản tai nghe, từ IEM dễ kéo cho đến những con quái vật như LCD 3 hay DT990.
Thử nghiệm với R70x và DT990 ở mức gain high, cũng như hai chiếc in ear Etymotic HF5 và CIEM Custom Art Music One ở mức gain thấp, Lyr 2 đã chứng minh được khả năng của mình. Âm thanh trong sáng, khá gần với phong cách mà Schiit vẫn theo đuổi. Âm bass ngay cả khi thưởng thức cùng DT990 vẫn rất gọn gàng, chặt chẽ. Từ tiếng contrabass bập bùng, tiếng trống cho tới nhịp beat của nhạc điện tử được tái hiện một cách chính xác, đuôi ngắn, không dề dà kéo dài đè lên dải mid dày dặn, đầy tình cảm khi xét tới giọng hát của những người nghệ sỹ.
Hai bóng bán dẫn tiêu chuẩn sử dụng cổng “9 chân que tăm” (theo cách gọi của anh em chúng tôi) là mẫu 6BZ7. Đôi bóng này đánh khá hợp với những thể loại nhạc cần không gian rộng và đem lại cảm giác âm thanh trong trẻo, sáng sủa. Tuy nhiên nếu là một người thích thưởng thức âm nhạc, thích thứ âm thanh ấm áp như những gì họ được trải nghiệm với HD650, thì đôi bóng đèn này cần rất nhiều thời gian để burn in đúng cách. Ban đầu, âm trầm của những bản nhạc sẽ thiếu đi sức sống và phần nào độ dày, dù rằng độ sâu của từng nhịp trống vẫn được đảm bảo (một phần nhờ vào Bifrost).
Điều may mắn là, bạn có thể tùy chọn bất kỳ mẫu đèn bán dẫn “lái tín hiệu” nào bạn cảm thấy phù hợp với bản thân, miễn là chúng sử dụng kết nối 9 pin dạng que tăm như 6BZ7 stock. Chỉ một điều đáng tiếc, đó là tôi chỉ còn duy nhất một bóng Bugle Boy 6DJ8 sử dụng cùng Crack, nếu không chúng ta đã có thêm hẳn một đoạn so sánh giữa hai loại bóng bán dẫn và sự ảnh hưởng của chúng tới chất âm là Lyr 2 tái tạo.
Với “khẩu vị âm thanh” của tôi, Lyr 2 đáp ứng tới 80% sở thích sử dụng nếu đi kèm với DT990, một chiếc tai nghe không hẳn neutral, cũng chẳng phải reference nhưng lại đem lại trải nghiệm nghe rất vui nhộn, đầy cá tính và dễ thưởng thức.
Tuy nhiên như đã đề cập ở đầu bài viết, với kết cấu mạch luân chuyển giữa class A và class AB, vốn khá tốn điện và tỏa nhiệt nhiều, Lyr 2 tương đối nóng trong quá trình sử dụng, và đôi khi nếu không cẩn thận, bạn có thể bị bỏng nếu lỡ tay chạm vào hai bóng bán dẫn.
Tạm kết
Đối với tôi, Schiit Lyr 2 là một chiếc amplifier với khả năng đánh tạp mọi loại tai nghe và mọi thể loại nhạc, đem lại trải nghiệm nghe thư thái và trên hết là chất âm ấn tượng, dĩ nhiên sau một thời gian burn in bóng bán dẫn. Trong khi đó Bifrost mới là sản phẩm khiến tôi cảm thấy ấn tượng.
Về phần những người chơi âm thanh tầm trung, Bifrost phiên bản Uber có thể được đánh giá là một trong số những mẫu DAC đáng giá nhất mà họ có thể sở hữu ở tầm giá dưới 20 triệu Đồng tính đến thời điểm hiện tại.
Hiện Schiit Bifrost bản Uber và ampli Lyr 2 đang được bán tại Việt Nam với giá lần lượt là 13,7 triệu và 11,8 triệu Đồng. Cuối cùng xin chân thành cám ơn 3K Shop đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết lần này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét